Khám phá Việt Nam bằng đường sắt Bắc - Nam
Hãng tin Sputnik của Nga vừa bầu chọn 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới. Trong đó, tuyến đường sắt Thống Nhất của Việt Nam vinh dự nằm trong danh sách này.
Theo Sputnik, bằng cách đi tàu Thống Nhất Bắc - Nam, khách du lịch có thể khám phá Việt Nam qua những khung cảnh thơ mộng, đặc biệt là vùng biển miền Trung hoang sơ và còn có thể tận hưởng cảm giác thoải mái trong những toa giường nằm được lắp điều hòa.
Đường sắt Bắc - Nam vừa được bình chọn là một trong 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới
Năm 2018, Lonely Planet, một trong những nhà xuất bản sách hướng dẫn du lịch lớn nhất thế giới, đã xếp tuyến đường sắt Bắc - Nam (Việt Nam) với khoảng cách 1.726 km, đứng đầu danh sách 8 điểm đến có hành trình du lịch tàu hoả đáng trải nghiệm trên thế giới.
Nếu tàu xuất phát tại Hà Nội, khách có thể xuống ga Đồng Hới (Quảng Bình), từ đó đi tham quan vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, động Thiên Đường… Sau Quảng Bình, tàu đến tỉnh Thừa Thiên - Huế với hệ thống di tích lịch sử dày đặc cung điện, lăng tẩm, đền đài, đặc biệt là kinh thành Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới...
Đường sắt đang... đi lùi
Theo các chuyên gia, ngành đường sắt cần tận dụng tiềm năng, lợi thế về du lịch này để hút khách đi tàu, để thực sự phát huy được lợi thế của mình. Bởi, nhiều năm trở lại đây, khi vận tải đường bộ ngày một trở nên thuận tiện hơn với các tuyến cao tốc; nhiều tuyến quốc lộ được đầu tư, nâng cấp và đặc biệt khi vận tải hàng không phát triển chóng mặt thì đường sắt toàn đi lùi.
Số liệu sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho thấy, trong 6 tháng qua, các chỉ tiêu sản lượng và doanh thu toàn Tổng Công ty đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, sản lượng đạt hơn 3.959 tỷ đồng; doanh thu đạt 3.808 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu đạt thấp là do đường sắt vẫn yếu thế trong cạnh tranh về vận tải hành khách với hàng không giá rẻ và ô tô.
Về vận tải hàng hóa, đường sắt cũng khó cạnh tranh với đường biển, ô tô, đường thủy về giá thành vận tải, logistics.
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh thừa nhận, việc hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh cả năm 2019 sẽ gặp nhiều khó khăn do sắp vào mùa mưa bão, khả năng sạt trượt, ách tắc vận tải. Các dự án hạ tầng đường sắt hiện còn vướng nhiều thủ tục, quy định, chưa triển khai nhanh được như về cầu đường, thông tin, kho bãi tại ga…
Như vậy, làm thế nào để đường sắt Việt Nam có thể bứt phá, tận dụng được lợi thế cũng như khả năng để chuyển mình? Theo các chuyên gia, ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, từ đội ngũ lái tàu, tiếp viên phục vụ đến chất lượng đoàn tàu, toa xe, nội thất thì tốc độ di chuyển của tàu hỏa đang là lực cản đối với toàn ngành.
Bên cạnh đó, do đầu máy, toa xe đã được đầu tư từ quá lâu mà không được thay mới nên đường sắt Bắc- Nam còn khá ồn, cùng với đó là vé khá đắt khi so với các loại hình vận tải khác.
Song, để giải quyết được những vấn đề trên, ngành đường sắt cần nguồn vốn đầu tư không nhỏ, "cái khó bó cái khôn", ngành đường sắt đang quẩn quanh, khó có thể bứt ra được bởi vòng xoay khách giảm- kinh phí đầu tư nâng cấp teo tóp.
Khách du lịch "ngoại" thích đường sắt
Theo nhìn nhận của ngành đường sắt, tỷ lệ khách du lịch ngoại đến Việt Nam di chuyển bằng tàu hỏa chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội thông tin, lượng khách quốc tế chọn tàu hỏa làm phương tiện đi lại giữa các điểm du lịch ngày càng đông, không chỉ khách lẻ kiểu "Tây ba lô" mà cả khách đoàn của các hãng lữ hành.
Có những hãng đã ký hợp đồng với công ty đến tận năm 2021 vì nhu cầu khách du lịch quốc tế muốn trải nghiệm tàu hỏa Việt Nam ngày càng nhiều.
"Đặc biệt, tàu Hà Nội - Huế - Đà Nẵng đông khách nước ngoài quanh năm. Vì thế, chúng tôi tập trung đầu tư phương tiện như toa xe đẹp, trang thiết bị tiện nghi, đưa khoang VIP 2 giường, cùng đó là các chính sách ưu đãi riêng, hướng tới đối tượng khách hàng này"- bà Hà cho hay.
Ngân Tuyền (ANTĐ)
Đăng nhận xét