Vietnam Airlines cho hay kể từ ngày 1-7 với nhà ga quốc tế (T2), từ 1-10 với nhà ga nội địa (T1), sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ngừng phát thanh tại nhà ga (chỉ phát thanh khi có thông báo thay đổi cửa khởi hành) để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách tốt hơn. Tất cả mọi thông tin về chuyến bay sẽ được hiển thị trên bảng điện tử. Đây là một thay đổi cần thiết để giảm tiếng ồn và tăng thêm không gian yên tĩnh cho hành khách khi ở sân bay. Tuy nhiên để thay đổi thói quen xem bảng điện tử của hành khách cần có thời gian tuyên truyền.
Từ 1-7-2019, sân bay Tân Sơn Nhất ngừng phát thanh tại nhà ga
Lịch sử hình thành sân bay
Sân bay Tân Sơn Nhất được xây dựng vào cuối thập niên 1920, thuộc chế độ cũ để lại, nằm trên địa phận quận Tân Bình, là cảng hàng không có lưu lượng khách đến và đi lớn nhất Việt Nam. Năm 1921, tuyến bay thẳng đầu tiên từ Hà Nội vào Sài Gòn được khai trương với thời gian bay là 8 giờ 30 phút.
Năm 1930, chính quyền Sài gòn muốn mở rộng sân bay, nhưng giá đền bù đất xung quanh lại quá cao, nên có ý tìm khu đất ở Cát Lái, Thủ Đức để xây dựng sân bay khác. Nhưng chưa kịp tiến hành thì gặp khủng hoảng kinh tế thế giới, nên phải chọn đền bù đất để mở rộng sân bay.
Cuối năm 1933, hãng hàng không Pháp (Air France) cho triển khai chuyến bay đầu tiền tuyến Paris – Sài Gòn (không bay đêm) phải mất đúng một tuần mới hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất. Đến năm 1937, toàn quyền Đông Dương cho thành lập Sở hàng không dân dụng Đông Dương để lo việc khai thác các chuyến bay.
Hình ảnh sân bay Tân Sơn Nhất trước 1975. Ảnh: Tư liệu
Trước năm 1975, quỹ đất phát triển lâu dài sân bay lúc đó khoảng 3.600 ha, gấp ba lần quỹ đất sân bay Changi ở Singapore. Sau năm 1975, phần đất này được cắt ra giao cho một số quận như Tân Bình, Gò Vấp… quản lý. Theo đó, đoạn từ ngã tư Bảy Hiền dọc đường Trường Chinh về ngã tư An Sương hay từ Phổ Quang sang Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung... vốn nằm trong hàng rào sân bay Tân Sơn Nhất xưa kia. Hiện nay, Tân Sơn Nhất chỉ còn khoảng 1.500 ha, trong đó 850 ha được sử dụng dân dụng, phần còn lại do Bộ Quốc phòng quản lý (trong đó có 160 ha để làm sân golf và dịch vụ).
Chất lượng dịch vụ kém
Tân Sơn Nhất từng lọt top 4 sân bay tệ nhất châu Á (năm 20015) và top 10 sân bay tệ hại nhất thế giới (năm 2016) và không thể ghi tên mình vào top 100 sân bay tốt nhất thế giới. Đa phần hành khách phàn nàn về chất lượng dịch vụ về chuyện bị bẻ khóa hành lí, thái độ phục vụ của nhân viên, vấn đề vệ sinh chưa sạch sẽ, chậm chuyến, nhũng nhiễu khi làm thủ tục bay… Chính những điều đó đã làm cho Tân Sơn Nhất được xếp hạng 3,5/5 sao vì chất lượng dịch vụ.
Sân bay Tân Sơn Nhất bị nhiều hành khách phàn nàn vì chất lượng phục vụ kém
Tắc nghẽn từ mặt đất lên trời
Hình ảnh tắc nghẽn từ ngoài vào trong, từ đường đi đến lối vào sảnh sân bay đến khâu làm thủ tục xếp hàng kiểm tra an ninh luôn ám ảnh hành khách mỗi lần đến đây. Vào được trong thì ghế ngồi không đủ, vì lượng khách quá đông, không thể đáp ứng hết. Thời gian chờ quá lâu, chờ lên máy bay, chờ bay vòng vòng để hạ cánh.
Hình ảnh tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Zing.vn
Không chỉ tắc nghẽn dưới đất, tắc nghẽn trên trời tại sân bay này cũng gây nhiều khó chịu cho hành khách. Theo số liệu từ Flightradar24, tỷ lệ chậm chuyến trung bình/ngày của sân bay là 25%, đồng nghĩa với việc cứ 4 chuyến bay thì có 1 chuyến chậm. Thời gian chậm chuyến trung bình của Tân Sơn Nhất được đơn vị này thống kê là 6 phút.
Tân Sơn Nhất vẫn đang cải thiện từng ngày để đem đến chất lượng tốt nhất cho hành khách. Để làm được điều đó, trước hết Tân Sơn Nhất cần cải thiện dịch vụ mặt đất, đảm bảo cảm giác an tâm, thoải mái nhất cho mỗi hành khách, nhất là việc đảm bảo thời gian nhanh và đúng giờ, thủ tục xuất nhập cảnh nhanh gọn, khéo léo, không để ùn tắc cục bộ một khu vực quá lâu.
Thu Trà (ANTD)
Đăng nhận xét